Các ủy ban Hạ viện Hạ_viện_Hoa_Kỳ

Hạ viện sử dụng các ủy ban (cũng như các tiểu ủy ban trong ủy ban) cho nhiều mục đích trong đó có việc xem xét các dự luật và theo dõi ngành hành pháp. Việc bổ nhiệm các thành viên ủy ban được chính thức thực hiện bởi toàn Hạ viện, nhưng việc lựa chọn các thành viên thật sự thường do các đảng phái chính trị thực hiện. Thông thường, mỗi đảng xem xét theo từng cá nhân dân biểu, chọn lựa dựa theo tiêu chuẩn thâm niên. Theo lịch sử mà nói thì đảng nào mạnh hơn thì sẽ chi phối các ủy ban Hạ viện nói chung, trừ hai ủy ban: đảng đa số được 9 trong số 13 ghế trong Ủy ban Pháp luật Hạ viện;[8] mỗi đảng có bằng số ghế trong Ủy ban Đạo đức Hạ viện.[9] Tuy nhiên, khi sự kiểm soát của đảng tại Hạ viện gần như chia sẻ đồng đều thì một số ghế phụ trong các ủy ban đôi khi được thêm vào cho đảng đa số (thí dụ tại Quốc hội lần thứ 109, Đảng Cộng hòa kiểm soát khoảng 53% toàn Hạ viện, nhưng chỉ có 54% thành viên trong Ủy ban đặc trách chi tiêu (appropriations committee), 55% thành viên trong Ủy ban Thương mại và Năng lượng, 58% thành viên trong Ủy ban Tư pháp và 69% thành viên trong Ủy ban Luật pháp).

Ủy ban lớn nhất của Hạ viện là Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ (committee of the whole). Như tên của nó nói rõ là gồm toàn thể thành viên của Hạ viện. Ủy ban họp trong phòng họp Hạ viện; ủy ban có thể xem xét và sửa đổi các dự luật nhưng không có thể thông qua các dự luật như quyết định sau cùng. Thường thường, các cuộc thảo luận của ủy ban toàn hạ viện linh động hơn các cuộc thảo luận của chính Hạ viện. Một thuận lợi của Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ là khả năng cho phép các thành viên không quyền biểu quyết của Quốc hội Hoa Kỳ tham dự các phiên họp.

Đa số công việc ủy ban được 20 ủy ban đặc trách trông coi, mỗi ủy ban có thẩm quyền trên một loạt vấn đề đặc biệt, thí dụ như các vấn đề liên quan đến nông nghiệp hoặc ngoại giao. Mỗi ủy ban đặc trách xem xét, sửa đổi, và báo cáo các dự luật nằm trong thẩm quyền của mình. Các ủy ban có quyền lực nới rộng trong việc xem xét các dự luật; họ có thể ngăn cản một dự luật không cho đến Hạ viện để được biểu quyết. Các ủy ban đặc trách cũng trông coi theo dõi hoạt động của các bộ và ban ngành của ngành hành pháp. Để tước quyền của các viên chức chính phủ sai phạm, các ủy ban đặc trách có quyền lực triệu tập các cuộc điều trần và ra trác đòi các nhân chứng và bằng chứng.

Hạ viện cũng có một ủy ban thường trực không phải là ủy ban đặc trách, đó là Ủy ban Thường trực Hạ viện Hoa Kỳ đặc trách về Tình báo. Tùy theo thời điểm ủy ban này có thể thiết lập các ủy ban phục vụ tạm thời và cho mục đích cảnh báo, thí dụ như Ủy ban Chọn lọc đặc trách Độc lập Năng lượng và Cảnh báo sự nóng lên của Địa cầu. Hạ viện cũng bổ nhiệm thành viên phục vụ trong những ủy ban hỗn hợp mà gồm có các thành viên của hai viện Quốc hội. Một số ủy ban hỗn hợp trông coi các bộ phận độc lập của chính phủ; thí dụ như Ủy ban Hỗn hợp đặc trách về Thư viện trông coi Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Các ủy ban hỗn hợp khác phục vụ để làm các báo cáo về tư vấn; thí dụ, có Ủy ban Hỗn hợp Quốc hội đặc trách về Thuế. Các dự luật và các viên chức được đề cử vào các chức vụ không được đưa lên các ủy ban hỗn hợp. Vì thế quyền lực của các ủy ban hỗn hợp tương đối thấp hơn quyền lực của các ủy ban đặc trách.

Mỗi ủy ban thuộc Hạ viện và các tiểu ủy ban do một chủ tịch lãnh đạo (luôn là thành viên của đảng đa số). Từ năm 1910 đến thập niên 1970, các chủ tịch của các ủy ban có rất nhiều quyền lực và họ luôn là những người thâm niên tại Hạ viện. Năm 1995, Đảng Cộng hòa dưới thời Newt Gingrich làm Chủ tịch Hạ viên đã đưa ra quy định hạn chế nhiệm kỳ của các chủ tịch ủy ban là 3 nhiệm kỳ hai năm. Đảng Dân chủ khi nắm được Hạ viện vào năm 2007 chưa có ra quyết định là có nên tiếp tục luật lệ thời Gingrich.